31 năm Bức tường Berlin sụp đổ 9/11/1989 – 9/11/2020

Sự hình thành của bức tường Berlin

Vào ngày 13/8/1961, chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đức (GDR hay Đông Đức) bắt đầu dựng hàng rào dây thép gai và “bức tường chống phát xít” (Antifascistischer Schutzwall), giữa Đông và Tây Berlin. Mục đích chính thức của Bức tường Berlin này là nhằm ngăn cái gọi là “những kẻ phát xít” phương Tây vào Đông Đức, nhưng nó cũng nhằm ngăn việc di tản quy mô lớn từ Đông sang Tây. Bức tường Berlin vẫn đứng sừng sững cho tới ngày 9/11/1989, khi lãnh đạo đảng Công nhân xã hội thống nhất cầm quyền thông báo công dân của GDR có thể vượt qua biên giới bất kỳ khi nào họ muốn.

Đêm đó, những đám đông hồ hởi đổ về bức tường. Một số tự do vượt qua để vào Tây Berlin, trong khi những người khác đem búa, dùi và bắt đầu đục đẽo tường. Đến nay, Bức tường Berlin vẫn là một trong những biểu tượng mạnh mẽ nhất, lâu dài nhất của Chiến tranh Lạnh.

Bức tường Berlin, ngăn cách phần Đông và Tây thành phố, là một trong những biểu tượng mạnh mẽ nhất của Chiến tranh Lạnh. Sự sụp đổ của nó dẫn đến thống nhất nước Đức và đánh một dấu mốc quan trọng trong lịch sử thế giới hiện đại. Theo báo cáo thường niên của chính phủ về tình hình thống nhất nước Đức, phát triển kinh tế ở các bang miền Đông so với các bang miền Tây đã tăng từ 43% năm 1990 lên 75% năm 2018.

Sự sụp đổ của Bức tường Berlin

Trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh bắt đầu “tan băng” ở Đông Âu, vào ngày 1/11/1989, ông Egon Krenz, lãnh đạo mới của Đông Đức đến Điện Kremlin đã gặp ông Mikhail Gorbachev, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô. Theo International Business Times, trong cuộc gặp mặt bí mật này, ông Krenz mang theo thông điệp ảm đạm: kinh tế Đông Đức đang trên bờ vực sụp đổ và GDR không thể trả lãi cho những món nợ khổng lồ, điều đã bị người tiền nhiệm của ông Krenz giấu kín trước những cố vấn hàng đầu của ông và các lãnh đạo Liên Xô.

Ông Krenz nói với Gorbachev rằng nếu không được hỗ trợ về tài chính và quân sự từ Liên Xô, Đông Đức sẽ phải thông báo tình trạng khẩn cấp để ngăn các cuộc biểu tình chống chính phủ quy mô lớn ở Leipzig lan tới Berlin. Tuy nhiên, Gorbachev tuyên bố trách nhiệm ngăn lượng người di tản quy mô lớn khỏi GDR thuộc về ông Krenz.

“Ngay sau đó, Gorbachev ban hành chỉ thị nhắc nhở các vị tướng quân sự rằng quân đội Xô Viết trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không được tham gia vào cuộc xung đột giữa chính quyền ở Berlin và công dân Đông Đức”, nhà sử học, nhà báo Victor Sebestyen kể về những sự kiện dẫn đến việc Bức tường Berlin sụp đổ, trong cuốn sách Revolution 1989 (tạm dịch: Cuộc Cách mạng 1989). Chính sách từ chối dùng vũ lực của Gorbachev đã ngăn chặn nguy cơ đổ máu khi GDR đổ vỡ.

Vào ngày 9/11/1989, phát ngôn viên đảng cầm quyền của Đông Berlin thông báo về sự thay đổi trong chính sách du lịch. Người này nói rằng ngay từ đêm hôm đó, các công dân GDR được tự do vượt qua ranh giới. Người Đông Berlin và Tây Berlin đổ về phía bức tường, uống bia và sâm panh, hô to “Tor auf!” (Mở cửa đi!). Vào nửa đêm, họ tràn qua những trạm kiểm soát.

Hơn hai triệu người từ Đông Berlin thăm Tây Berlin vào cuối tuần đó để tham gia ăn mừng trong một sự kiện được mô tả là “lễ hội đường phố vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới”. Những người dùng búa, dùi để đục đẽo tường được gọi là “chim gõ kiến trên tường”, trong khi cần trục và xe ủi kéo sập từng phần của bức tường. Ngay sau đó, bức tường bị đánh sập và Berlin lần đầu tiên được thống nhất kể từ năm 1945.

Đông và Tây Đức chính thức hợp nhất vào ngày 3/10/1990, gần một năm sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, trở thành nước Cộng hòa Liên bang Đức ngày nay.

_____________________

THANH CÚC EDUCATION – KHÁT VỌNG VƯƠN XA
🌐 Website: https://thanhcuc.edu.vn/
☎️ Hotline: 0978 555 162
🏢 Trụ sở tại Việt Nam: Số 140, Phố Hoàng Sâm, P. Nghĩa Đô, Q. Cầu Giấy, TP.Hà Nội
🏢 Văn phòng đại diện tại CHLB Đức: Kopernikusstr. 4, 08056 Zwickau, Sachsen, Germany

Bài viết liên quan