Câu chuyện chức danh giáo sư ở nước Đức

Ở đất nước này, GS thường là công chức hay viên chức. Ngạch viên chức dành cho các vị GS công tác tại các trường đại học (ĐH) tư hoặc những vị làm ở trường ĐH công lập nhưng còn thiếu điều kiện trở thành công chức. Hầu hết “ghế GS” tại Đức đều do các nhà KH là GS công chức “ngồi”, có biên chế lâu dài. Một số GS chỉ là GS viên chức.

 

Có GS mới phong phải trải qua thời gian thử thách. Chức danh GS ở Đức không phải là điều kiện mặc nhiên để có công việc mãi mãi tại trường ĐH. Việc trả lương tuy đã có barem (ngạch C hoặc W) nhưng lương GS cao hay thấp bao nhiêu còn tuỳ thuộc từng tiểu bang.

Quy trình cơ bản để bổ nhiệm GS tại Đức

Điều kiện tiên quyết là, ứng viên phải tốt nghiệp ĐH. Người ta phân biệt GS làm việc ở hai hệ đào tạo cấp này. Khi còn làm trợ lý khoa học (nghiên cứu và giảng dạy tại một trường ĐH ở Đức), tác giả đã có dịp được dự thính buổi giảng bài thử của ứng viên.

Viết hai luận văn ở hai cấp độ 

Bước đầu tiên dẫn tới “ghế GS” còn khá xa là công trình nghiên cứu KH với đề tài tự chọn, tự triển khai. Khi hoàn thành công việc, nghiên cứu viên nộp cho Hội đồng khoa học của trường một quyển luận văn chất lượng tốt. Phải có ít nhất một điểm mới hoặc lý tưởng là, kết quả nghiên cứu mang tính đột phá. Chỉ có như vậy nghiên cứu viên mới được phép bảo vệ luận văn. Nếu đề tài nghiên cứu chỉ ở tầm thấp hay người nghiên cứu chỉ viết lại những điều thế giới đã biết thì quyển luận án có dày bao nhiêu trang cũng không thể trở thành một luận án phó tiến sĩ (PTS)/ tiến sĩ (TS).

GS hướng dẫn biết rõ luận án có xứng tầm được bảo vệ hay không.

Tấm bằng PTS là một minh chứng xác tín cho năng lực tư duy, khả năng lao động khoa học độc lập của ứng viên.

Sau khi trở thành PTS, ứng viên đã có cơ hội trở thành GS trẻ mà chưa có học vị TS.

Từ nhu cầu công việc chọn người 

Nhà trường công bố công khai, minh bạch “ghế GS” trống trên các phương tiện thông tin, kể cả nhật báo, tìm người có khả năng thích ứng chiếm lĩnh ghế đó.

Bài giảng thay vì cuộc phỏng vấn cá nhân 

Các ứng viên phải giảng bài thử trước hội đồng khoa học cuả trường. Tiếp theo, ứng viên trả lời các câu hỏi chuyên môn.

Khi hội đồng tìm được người thích hợp nhất cho chỗ trống nói trên, ứng viên nhận được chức danh GS do trường hoặc do chính phủ phong, tuỳ theo chế độ biên chế. Sau khi trao bằng, ứng viên được quyền xưng tụng là GS.

Giáo sư tại các trường ĐH không được cấp học vị PTS/TS

CHLB Đức có hai hệ thống trường ĐH: Một hệ bao gồm các trường, viện có quyền cấp học vị PTS/TS theo luật định.

Hệ thứ hai (viết tắt FH). Đặc điểm nổi bật cuả hệ này: Các trường hay học viện không được đào tạo TS/PTS. Các công ty cuả Đức ưa tuyển dụng hàng ngũ kỹ sư, cử nhân “ra lò“ từ hệ này vì họ có nhiều kỹ năng thực tế, lương trả thấp hơn lương kỹ sư, cử nhân tốt nghiệp hệ kia.

Trường hợp ngoại lệ: Nếu kỹ sư hay cử nhân tốt nghiệp hệ FH có thành tích khoa học rất xuất sắc thì cũng có cơ hội được trở thành PTS/TS. Họ nộp bài và bảo vệ ở trường có hội đồng bảo vệ. Có vị GS được phong vượt cấp, là GS – kỹ sư chứ không phải GS – TS.

Chỉ có thể trở thành GS, làm việc tại các chuyên ngành cuả trường FH mà ứng viên không có học vị PTS/TS, nếu các chuyên ngành đó không đào tạo PTS/TS, như kiến trúc, nghệ thuật và thiết kế. Các giải thưởng lớn về chuyên môn, những lần trưng bày thành công rất lớn cuả ứng viên có thể coi là thành tích để thay thế các công trình khoa học cho họ.

Vài lời kết

Đầu những năm 90 thế kỷ trước, nước Đức đang trong quy trình thống nhất toàn diện, hệ thống giáo dục ĐH được nhất thể hoá, kinh phí cấp cho vị trí “trợ lý khoa học” ở trường ĐH, nơi tôi từng theo học và làm việc, đã vào tầm 35.000 Euro một năm, được dùng để trả lương hằng tháng cho trợ lý, chi cho nghiên cứu, kể cả dụng cụ thí nghiệm, mua văn phòng phẩm…

Ý nghĩa cuả khái niệm “chức danh công vụ” ở Đức trùng với ý nghĩa khái niệm “chức vụ” trong hệ thống hành chính công ở nước ta. Khái niệm GS công chức, GS viên chức hay GS kiêm nhiệm chưa phổ biến ở Việt Nam.

Chức danh GS ở Đức có nội hàm vinh dự cá nhân bởi vì GS là người có đạo đức thanh cao, khách quan trong tư duy và hành xử.

Nếu vi phạm đạo đức, dù mới chỉ mới mang học vị TS, nhưng người ta đã có thể mất chức vụ rất cao đã được giao phó trong hệ thống hành chính công. Tại Đức có xảy ra hai cuộc từ nhiệm điển hình của hai vị bộ trưởng liên bang vì dính đến đạo văn.

Dù là GS hay người thợ, tại Đức về đại thể người ta nhìn nhận, đánh giá một con người thông qua nhân cách và tính chuyên nghiệp cuả người đó chứ không nhìn vào bộ cánh hay “mặt tiền cuả toà nhà”. Dù mới chỉ mang học vị PTS/TS, người mang đã được xã hội nể trọng, thể hiện qua ngôn từ xưng hô hàng ngày của người bản địa trong công việc.

TS Nguyễn Văn Tiến – Ích(Văn phòng hỗ trợ tư pháp, hành chính công và kinh tế, CHLB Đức)

Bài viết liên quan