Nghề khách sạn – Học tập và làm việc

Dù cho bạn không được thừa kế một khách sạn nào cả, bạn vẫn có cơ hội để xây dựng sự nghiệp. Không phải ngẫu nhiên mà nghề này được xếp vào top 10 nghề được yêu thích nhất tại Đức.

Là một nhân viên khách sạn, bạn phải lập kế hoạch làm việc trong khách sạn, chăm sóc và tư vấn cho các khách hàng tại khách sạn của mình, đảm bảo họ có những ngày thoải mái nhất tại khách sạn. Một nhân viên khách sạn phải là người có thể làm việc ở tất cả các lĩnh vực và phòng ban tại khách sạn, ví dụ như có thể sắp xếp phòng cho khách, phục vụ trong nhà hàng hay cùng phối hợp làm việc trong nhà bếp.

Bạn có thể làm việc ở đâu?

Sau chương trình đào tạo, bạn có thể làm việc tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Tuỳ vào khả năng của mình, bạn có thể được làm tại khu vực lễ tân hoặc nhà hàng. Ngoài ra bạn cũng phải đôi khi làm việc tại các phòng hội thảo, phòng khách sạn, nhà bếp hoặc trong văn phòng.

Tuỳ vào khả năng của mình, bạn có thể được làm tại khu vực lễ tân hoặc nhà hàng

Điều kiện để học nghề khách sạn

– Hoà đồng vui vẻ, có khả năng giao tiếp tốt với khách hàng (ví dụ như giao tiếp khách)

– Linh hoạt (Có thể làm việc tại các khu vực khác nhau)

– Có sức khoẻ tốt (vì phải thường xuyên đứng và đi lại)

– Có khả năng làm việc nhóm

– Nên học tốt các môn như Toán, Tiếng Đức, Tiếng Anh

Thu nhập trong khi học nghề khách sạn như nào?

Theo quy định, trong thời gian đào tạo nghề, học viên sẽ được trả một khoản trợ cấp từ doanh nghiệp/ khách sạn mà học viên học thực hành. Mức trợ cấp trong ngành khách sạn nhìn chung là không quá cao (tương đương với ngành nhà hàng) nhưng sẽ tăng theo từng năm. Trung bình như sau:

– Năm 1: 750 – 850 Euro/ tháng

– Năm 2: 850 – 1000 Euro/ tháng

– Năm 3: 950 – 1150 Euro/ tháng

Thu nhập sau khi tốt nghiệp của nghề khách sạn như nào?

Mức lương của nghề khách sạn phụ thuộc vào từng lĩnh vực, kinh nghiệm và nơi làm việc, đôi khi còn phụ thuộc vào cả giới tính.

Với những người mới tốt nghiệp, mức lương dao động khoảng 1800 đến 2400 Euro trước thuế.

Chương trình đào tạo nghề khách sạn diễn ra như nào?

Chương trình đào tạo nghề khách sạn sẽ diễn ra tại trường dạy nghề chuyên nghiệp, và được bổ sung thông qua những giai đoạn thực hành tại một khách sạn. Tại trường dạy nghề, học viên sẽ học những kiến thức nền tảng, và trong quá trình học thực hành, học viên sẽ áp dụng kiến thức đã học vào thực tế.

Sau năm 1, học viên sẽ tham dự một kỳ thi giữa kỳ. Kết thúc chương trình đào tạo, học viên sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp của chính quyền bang. Kỳ thi bao gồm 2 phần: thi lý thuyết (hình thức thi viết); thi thực hành (phục vụ trong khách sạn). Chỉ khi thi đỗ kỳ thi này, học viên mới được cấp chứng chỉ hành nghề để trở thành nhân viên khách sạn thực sự.

Sau khi kết thúc chương trình đào tạo, học viên cũng có vô vàn cơ hội đào tạo chuyên sâu, ví dụ như Đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực khách sạn. Hoặc nếu kết quả tốt, học viên hoàn toàn có thể theo học đại học ngành khoa học thực phẩm hoặc quản lý nhà hàng-khách sạn.

Tại trường dạy nghề, học viên sẽ học những kiến thức nền tảng, và trong quá trình học thực hành, học viên sẽ áp dụng kiến thức đã học vào thực tế.

Một ngày của nhân viên khách sạn

Dưới đây là chia sẻ thực tế một ngày làm việc của một nhân viên khách sạn:

5:45 – 6:30: Chuẩn bị Buffet bữa sáng tại khách sạn

Khi có làm ca sáng, việc đầu tiên tôi phải làm là bật tất cả các thiết bị trong khách sạn và phải sắp xếp chuẩn bị bữa Buffet sáng. Mỗi nhân viên sẽ có một xe đẩy hàng và có nhiệm vụ sắp xếp các món ăn từ xe lên kệ bàn trong phòng ăn. Tiếp theo đó, tôi phải đặt những tấm biển nhỏ trước các món ăn trên bàn để khách hàng có thể biết được hôm nay có những món gì. Đối với những món ăn nóng như trứng chưng, bánh mỳ nướng thì sẽ được cho vào một loại khay giữ ấm đặc biệt.

6:30 – 11:00: Phục vụ bữa sáng

Khi đón tiếp khách, bao giờ cũng phải đợi đến khi khách ngồi xuống mới được ra hỏi khách muốn uống gì. Tôi có nhiệm vụ chuẩn bị các đồ uống nóng như Cà phê sữa hay Cappuccino. Trong khi các vị khách dùng bữa tại quầy buffet, tôi phải luôn kiểm tra xem liệu các món có còn không. Nếu như món nào còn ít quá, tôi phải lấy thêm ở trong bếp. Đôi khi cũng có những vị khách quen, khi thấy họ tôi liền mang luôn đồ uống yêu thích của họ ra mà không cần hỏi. Chỉ một hành động nhỏ thôi cũng khiến các vị khách vui hơn rất nhiều. Sau khi xong xuôi, tôi dọn dẹp bát đĩa bẩn và để bộ mới lên bàn. Sau khi các vị khách ăn sáng xong thì chúng tôi sẽ có 45 phút nghỉ để ăn sáng.

11:00 – 12:30: Dọn dẹp phòng ăn và giúp việc trong bếp

Đây là lúc mà chúng tôi phải dọn dẹp phòng ăn và chuẩn bị cho ngày tiếp theo. Tôi cất bánh mỳ, bánh ngọt vào trong bếp và đóng gói lại các loại đồ ăn khô như ngũ cốc, gói trà hay những khẩu phần ăn nhỏ như hộp mứt, bơ. Sau khi dọn dẹp sạch sẽ các kệ và bàn, tôi sẽ lau rửa các loại bát và âu giữ nhiệt. Tôi còn có nhiệm vụ là đổ đầy các lọ đường bột, muối và tiêu, cũng như sắp sẵn các loại khăn ăn để chuẩn bị cho ngày mai. Cuối cùng tôi hút bụi toàn bộ phòng ăn cho sạch sẽ, rồi hỏi xem trong bếp liệu có cần giúp đỡ gì không. Trong bếp tôi sẽ rửa một vài chậu bát đĩa và làm sạch máy pha cà phê.

12:30 – 13:30: Kiểm tra tủ lạnh con trong các phòng

Tại khách sạn của chúng tôi có tổng cộng 62 phòng các loại. Mỗi phòng đều có một quầy bar nhỏ và tôi có nhiệm vụ kiểm tra xem các quầy bar nhỏ đó có đủ rượu không hay còn hạn sử dụng không, quầy bar có sạch sẽ không. Sau cùng tôi phải ghi lại các loại còn thiếu và đưa cho lễ tân để xử lý tiếp.

13:30 – 14:00: Phục vụ quán cafe của khách sạn

Khách sạn chúng tôi còn có một quán cafe nhỏ ngoài vườn. Quán này không chỉ dành cho các khách nghỉ tại khách sạn mà còn dành cho cả khách ngoài. Nếu trời mưa, các vị khách sẽ ngồi trong vườn mùa đông có mái che. Vào giờ này tôi chỉ có nhiệm vụ hỗ trợ các đồng nghiệp khác. Đối với những khách nghỉ tại khách sạn, họ có thể chọn trả tiền luôn hoặc tính vào tieèn phòng. Đôi khi cũng sẽ có vài vị khách đặt những câu hỏi về những danh lam thắng cảnh, những điểm đến xung quanh nên tôi phải luôn trang bị cho mình thật nhiều kiến thức về du lịch nhất có thể.

14:00 – 14:30: Cắm hoa trang trí

Trước khi hết ca, tôi có trách nhiệm phải kiểm tra xem hoa ở cửa vào và trong phòng ăn còn tươi hay không. Tôi phải rửa các lọ hoa, thay nước, cắt tỉa cành thừa và đôi khi là cắm mới. Trước khi về bao giờ cũng phải kiểm tra lại một lượt xem có quên gì không.

Bài viết liên quan